Chuỗi liên kết giữa Nga với nền kinh tế toàn cầu từ lâu đã rất phức tạp. Nga lần lượt xếp thứ nhất, thứ hai và thứ ba trong số các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và than đá.
Theo tạp chí The Economist, Nga là nguồn cung phần lớn năng lượng nhập khẩu của châu Âu, chiếm một nửa lượng uranium nhập khẩu của Mỹ, cung cấp 1/10 lượng nhôm và đồng cho thế giới, 1/5 niken cấp độ sản xuất pin. Sự thống lĩnh của nước này về các kim loại quý như palladium – thành phần chủ chốt trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử - thậm chí còn lớn hơn. Nga cũng là nước xuất khẩu lớn về lúa mì và phân bón.
Cho đến nay, xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga vẫn chưa bị đưa vào các danh sách trừng phạt toàn diện mà phương Tây đang áp đặt lên một loạt lĩnh vực khác.
Ảnh minh họa: The Economist |
Hôm 8/3, Mỹ đã công bố cấm vận đối với dầu lửa Nga nhưng đây là mặt hàng mà nước này mua rất ít. Anh cũng thông báo sẽ loại bỏ dần các đơn hàng trong năm nay. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy phương Tây có thể hành động mạnh tay hơn nữa và điều này gây sốc cho các thị trường hàng hóa.
Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hôm ngày 6/3 rằng Washington đang trao đổi với các đồng minh về một lệnh cấm chung, giá dầu thô Brent đã tăng vọt lên 139 USD/thùng, gấp đôi mức giá ngày 1/12.
Giá khí đốt cũng biến động dữ dội. Vào ngày 8/3, các hợp đồng liên quan đến giá khí đốt bán buôn của châu Âu tăng 1/3 lên 285 Euro (316 USD) /mwh, gấp 18 lần so với một năm trước. Cùng ngày, Sở giao dịch Kim loại London (lme) đã đình chỉ giao dịch niken lần thứ 2 trong lịch sử 145 năm của tổ chức, sau khi giá kim loại này tăng gấp đôi mức kỷ lục trước đó. Tuần này, giá các kim loại khác đều chạm hoặc gần tiến đến mức cao nhất mọi thời đại.
Đây là một cú sốc sâu và rộng chưa từng có. Chỉ số hàng hóa cốt lõi do Thomson Reuters tổng hợp tăng cao hơn so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1973, trên cơ sở 3 tháng. Trong tuần kết thúc ngày 4/3, mức tăng là lớn nhất kể từ năm 1956.
Ngoài các sàn giao dịch, sự hoảng loạn vẫn chưa xuất hiện nhưng xu hướng này khó được lâu.
“Hiện tại, giá cả được in trên màn hình. Trong 4 tuần nữa, nó sẽ trở thành hiện thực. Nếu căng thẳng tăng thêm, năng lượng và kim loại có thể sẽ bị giới hạn. Các công ty tư và các cá nhân sẽ phải điều chỉnh dù rất đau đớn. Thế giới giàu có sẽ thay đổi. Các nước nghèo có thể bị phá sản…”, một thương gia nhận xét.
Thị trường hàng hóa đang náo loạn vì hai lý do.
Thứ nhất, nhiều nơi đã khan hàng ngay cả trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, do nhu cầu lớn. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau thời gian đóng cửa vì Covid-19 đã dẫn đến cơn khát năng lượng và kim loại, đẩy các kho dự trữ xuống mức thấp kỷ lục.
Thứ hai, nguồn cung đang dần thu hẹp. Dầu từ Nga vẫn tuôn chảy, với hàng triệu thùng đang vượt Đại Tây Dương. Nhưng hầu hết số này đã được mua và thanh toán từ ít nhất hai tuần trước. Các nguồn cung dầu thô Urals mới hơn không còn hoạt động nữa.
Vấn đề đặc biệt là tình trạng thiếu tài chính. Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đã ngừng phát hành thư tín dụng cho các giao dịch của Nga. Sau một thập niên phải trả các khoản phạt cao vì vi phạm cấm vận đối với Iran và một số nước khác, nhiều ngân hàng không muốn tiếp tục giao dịch với Nga.
Các vấn đề về hậu cần cũng không kém phần quan trọng. Không được bảo hiểm, các tàu nước ngoài đang tránh né Biển Đen. Hàng hóa bị treo trong khi giá cả biến động thất thường càng kéo căng cơ sở hạ tầng vật chất và tài chính của giao dịch hàng hóa. Một số cảng châu Âu bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Giá nhiên liệu tăng 1/3 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến cho hoạt động vận tải toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Và, khi phần lớn nguồn cung dầu từ Nga không đến được các thị trường, hàng loạt mặt hàng khác sẽ bị ảnh hưởng. Moscow đã tuyên bố đáp trả cấm vận dầu mỏ hoàn toàn bằng cách cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang phương Tây. Các giới hạn về doanh số bán than cũng sẽ gây khó khăn và làm phức tạp thêm nỗ lực của châu Âu muốn chuyển hướng khỏi khí đốt. Trong 10 năm qua, tỷ trọng nhập khẩu than từ Nga của khối đã tăng gấp đôi, lên mức 80%.
Câu hỏi lớn là liệu sự gia tăng nguồn cung từ nơi khác có thể giảm thiểu thiệt hại hay không. Bắt đầu với dầu. Mỹ đã lên kế hoạch tăng sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ngày. Phương Tây có thể thúc ép các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng nguồn cung, có thể mang lại thêm 2 triệu thùng/ngày. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể bổ sung 1 triệu thùng/ngày. Mở cửa các kho dự trữ khẩn cấp cũng giúp ích. Tuần trước, Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng từ kho của họ.
Cộng lại, nguồn cung toàn cầu tăng thêm 3-4 triệu thùng/ngày – một con số lớn, nhưng vẫn chưa đủ. Các thành viên OPEC không thể đẩy nhanh sản xuất vì nhiều năm không đầu tư vào các mỏ dầu mới. Tái khởi động các giếng đá phiến của Mỹ phải mất tầm 6 tháng, và thêm 6 tháng nữa để có thể cung cấp dầu thô từ đây. Trong khoảng thời gian đó, giá cả sẽ rất cao.
Tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới không là điều dễ dàng với châu Âu. Ảnh: AP |
Ngoài ra còn rất nhiều trở ngại khác.
Tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới không phải là điều dễ dàng với châu Âu. Lục địa già có thể nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần, châu Âu phải nâng cao năng lực “tái hóa” (chuyển khí hóa lỏng trở về trạng thái khí bình thường). Kết hợp với các nguồn khác, châu Âu có thể mua bù được 60% lượng nhập khẩu từ Nga – một nỗ lực mạnh mẽ nhưng cũng vẫn chưa đủ.
Do vậy, tái cân bằng thị trường là điều không thể nếu như không bắt buộc giảm bớt nhu cầu. Cách dễ nhất để làm điều này là thông qua các chính sách hạn chế tiêu thụ. Nhưng làm như thế sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty và người dân. Đặc biệt, tình trạng thiếu kim loại, chẳng hạn như nhôm, sẽ cản trở sản xuất mọi mặt hàng từ ô tô đến đồ hộp. Sự khan hiếm niken có thể làm làm tê liệt hoạt động sản xuất xe điện.
Tất cả những điều kể trên chắc chắn sẽ làm cản trở các nền kinh tế giàu có. Ngân hàng JPMorgan Chase dự đoán, nền kinh tế thế giới năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo ở thời điểm một tuần trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Thanh Hảo
Ứng phó 'mưa trừng phạt' từ phương Tây, ông Putin tính tung phản đòn
Tổng thống Vladimir Putin để ngỏ khả năng ‘quốc hữu hóa’ tài sản của các công ty nước ngoài sắp rút khỏi Nga, để đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Travel Blogger chuyên review những địa điểm du lịch khắp cả nước, mang đến những trải nghiệm mới nhất cho bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét