Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

Vì sao Ba Lan thành trụ cột của NATO trong cuộc chiến ở Ukraine?

Phương Tây không còn phớt lờ cảnh báo của Warsaw về Nga, khi Ba Lan ngày càng giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược ứng phó khủng hoảng Ukraine của NATO.

Các nhà lãnh đạo Ba Lan từ lâu đã hối thúc các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine, viện dẫn mối đe dọa từ Nga, nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Phương Tây đã thay đổi thái độ sau khi Nga phát động chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine.

{keywords}
Xe tăng của Ba Lan (đi đầu) cùng các xe thiết giáp của Mỹ và Italia tham gia cuộc tập trận Namejs 2021 của NATO tại Kadaga, Latvia tháng 9/2021. Ảnh: AP

Theo tạp chí The Economist, các cảnh báo của Ba Lan về Nga giờ đây đã trở thành chủ đề thảo luận thường xuyên của NATO và EU. Vai trò của Ba Lan trên thế giới cũng đang được coi trọng hơn. Chỉ trong vòng vài tuần, nước này đã trở thành trụ cột trong những nỗ lực của phương Tây nhằm bảo vệ Ukraine và ngăn chặn Nga, một nhiệm vụ được đánh giá là "quan trọng nhưng không kém phần nguy hiểm".

Cầu nối viện trợ quân sự cho Ukraine

Hàng trăm tên lửa phòng không Stinger, vũ khí chống tăng Javelin và các loại đạn dược khác đã đổ dồn về Ukraine thông qua Ba Lan và Romania như một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD của Mỹ dành cho Kiev.

Bản thân Ba Lan cũng cử một đoàn vận tải đạn dược đến Ukraine và có kế hoạch gửi các súng cối, máy bay không người lái cỡ nhỏ và hệ thống tên lửa vác vai cho nước láng giềng. Các chuyến chuyển giao vũ khí của những nước khác viện trợ cho Kiev, bao gồm cả lô hàng trị giá 450 triệu Euro (hơn 500 triệu USD) của EU cũng đang được tiến hành.

Chuyên gia Konrad Muzyka thuộc công ty phân tích quân sự Rochan Consulting nhấn mạnh, phần lớn nhất của số khí tài viện trợ kể trên, kể cả loại sát thương và không gây sát thương, sẽ đi qua Ba Lan. Theo Stanislaw Koziej, cựu lữ đoàn trưởng trong quân đội Ba Lan, dù muốn hay không, nước này rốt cuộc đã trở thành "mắt xích chính trong chuỗi kết nối Ukraine và phương Tây".

Ba Lan thực tế đang ở gần mắt bão hơn bất kỳ thành viên nào khác của NATO. Họ có nguy cơ bị hút sâu hơn vào cuộc khủng hoảng ở bên kia biên giới. Nhiều ngày qua, Warsaw đã đề xuất trao các máy bay chiến đấu cũ Mig-29 cho Ukraine để đổi lấy các siêu tiêm kích F-16 hiện đại hơn từ Mỹ. Dù ban đầu thúc đẩy kế hoạch nhưng Washington có vẻ đã chùn bước khi các quan chức Ba Lan yêu cầu gửi số chiến đấu cơ nói trên qua một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.

Ngày 9/3, người Mỹ đã phản bác kế hoạch, viện dẫn lí do động thái chuyển giao có thể làm leo thang căng thẳng. Trong khi, các quan chức ở Warsaw cho biết, Ba Lan muốn hỗ trợ Ukraine càng nhiều càng tốt nhưng không muốn bị kéo vào cuộc chiến. Giới quan sát nhận định, Ba Lan cũng tìm cách tránh bị Nga giáng đòn trả đũa thông qua gián tiếp chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine.

Cuộc khủng hoảng cũng biến Ba Lan, gần như chỉ sau một đêm, trở thành quốc gia có dân tị nạn lớn thứ hai ở châu Âu. Hơn 2,5 triệu người đã tháo chạy khỏi Ukraine đi lánh nạn kể từ khi chiến sự bùng nổ ngày 24/2, trong đó trên 1,3 triệu người đã đến Ba Lan. Dù hiện xử lý tốt dòng người tị nạn ồ ạt này nhưng các nguồn lực của Ba Lan đang bị kéo căng.

Vị thế 

Quy mô, vị trí và cơ sở hạ tầng của Ba Lan khiến nước này trở thành cửa ngõ quan trọng nhất của phương Tây tới Ukraine. Hai quốc gia có chung đường biên giới dài 530km với hơn 12 cửa khẩu. Sân bay ở Rzeszow của Ba Lan, cách biên giới khoảng một giờ lái xe, là sân bay lớn gần nhất gần Ukraine trên lãnh thổ NATO. Dữ liệu radar chuyến bay cho thấy sự gia tăng hoạt động của các máy bay quân sự, chủ yếu liên quan đến việc vận chuyển vũ khí, đến và rời Rzeszow kể từ ngày 24/2.

Theo các nhà phân tích, nếu Kiev thất thủ, binh lính Ukraine và những người ủng hộ có thể sẽ tập hợp lại ở phía tây đất nước, trong hoặc xung quanh Lviv, chỉ cách biên giới Ba Lan 80km. Điều này sẽ nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của Ba Lan đối với Ukraine.

Xung đột đã củng cố vị thế của Ba Lan trong NATO. Liên minh quân sự đang tăng đáng kể sự hiện diện của họ ở nước này. Hồi tháng 2, trước cả khi Nga động binh, Mỹ đã triển khai thêm gần 5.000 lính đến Ba Lan, nâng tổng số quân đồn trú lên khoảng 9.000 người. Gần đây, Washington cũng đã phê chuẩn việc bán 250 xe tăng Abrams cho Warsaw.

Ngoài ra, Ba Lan còn hy vọng sẽ hòa giải với phần còn lại của EU. Các quan chức EU đã nhiều lần chỉ trích chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của Ba Lan sau khi nước này thực hiện các cải cách tư pháp bị khối cáo buộc là "làm suy yếu tính độc lập của các cơ quan tư pháp và pháp quyền", một nguyên tắc then chốt của EU.

Tranh cãi từng lên đến đỉnh điểm khi Ba Lan đe dọa rời khỏi EU và liên minh đóng băng 36 tỷ Euro trong quỹ phục hồi hậu đại dịch dành cho nước này, đồng thời tuyên phạt Warsaw vì đã phớt lờ các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu. Warsaw đã tiến hành đáp ứng một số yêu cầu của EU và những nỗ lực trong khủng hoảng Ukraine có thể giúp họ nhận được nhiều sự cảm thông hơn.

Nguy cơ tiềm ẩn

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro khôn lường đi kèm. Một số nhà phân tích tin, Nga gần như chắc chắn sẽ trả đũa Ba Lan bằng cách này hay cách khác. Chiến sự càng kéo dài, Moscow có thể càng muốn phá hủy các đường tiếp tế cho Ukraine thông qua Ba Lan.

Việc các lực lượng Nga nã tên lửa vào căn cứ quân sự Yavorov của Ukraine ở miền tây, gần biên giới Ba Lan hôm 13/3 càng củng cố nhận định trên. Mỹ rõ ràng đã tính đến khả năng này khi thông báo họ sẽ gửi các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ba Lan.

Giới quan sát cũng đề cập đến mối đe dọa của các hoạt động tấn công mạng ở Ba Lan. Một nhóm giám sát truyền thông xã hội tuyên bố đã phát hiện một chiến dịch phát tán tin giả nhằm gieo rắc sự hoảng sợ và gia tăng sự phẫn nộ đối với những người tị nạn từ Ukraine.

Phương Tây thống nhất rằng không thể xem nhẹ lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về "hậu quả chưa từng thấy" đối với những nước can thiệp vào Ukraine. Song, theo quan điểm của NATO và Ba Lan, rủi ro duy nhất lớn hơn sự trả đũa của Moscow là nguy cơ phương Tây không hành động.

"Không có cách nào khác bởi vì chúng tôi đang ở trên cùng một con thuyền. Sự khác biệt duy nhất là Ukraine ở phía trước và chúng tôi ở phía sau", Wojciech Kononczuk, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu phương Đông ở Warsaw bình luận.

Tuấn Anh

Các đòn trừng phạt lớn ảnh hưởng đến Nga thế nào?

Các đòn trừng phạt lớn ảnh hưởng đến Nga thế nào?

Chưa đầy một tuần sau khi các "lệnh trừng phạt lớn" được công bố, giới quan sát bắt đầu chứng kiến những tác động đáng kể đối với kinh tế và đời sống của người Nga.



Travel Blogger chuyên review những địa điểm du lịch khắp cả nước, mang đến những trải nghiệm mới nhất cho bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Samsung mở rộng nhà máy đóng gói chip HBM HOT nhất 2023

Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, Samsung Electronics vừa thông báo mở rộng các cơ sở đóng gói chất bán dẫn tại tỉnh Chungcheong Nam để...