Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc KDL sinh thái Cổng trời Đông Giang (Đông Giang, Quảng Nam)- thành viên Tập đoàn FVG nhấn mạnh, đây không chỉ là mục tiêu cốt lõi của khu du lịch sinh thải, phải gắn mình với thiên nhiên mà còn là chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam đang được đơn vị triển khai nghiêm túc.
KDL sinh thái Cổng trời Đông Giang tạo sản phẩm du lịch gắn liền thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên...
Đưa vào vận hành giai đoạn 1 đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, bà có thể chia sẻ về những kết quả đạt được của KDL sinh thái này?
Hưởng ứng chương trình Năm du lịch quốc gia 2022 của Quảng Nam, KDL Cổng trời Đông Giang mở cửa đón khách từ 29/4/2022.
Theo đó, du khách được trải nghiệm hành trình khám phá nhiều câu chuyện đặc sắc mang màu sắc văn hóa bản địa như làng Văn hóa Cơ tu, khám phá hệ thống hang động, thác suối kì vĩ, rừng bòn bon xanh mát sai trĩu quả, nhiều công trình đặc sắc như: hệ thống 7 cây cầu bắc qua sông Ngân, mô hình khủng long hóa thạch…
Đồng thời, đưa vào khai thác tổ hợp lưu trú, nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 4 sao với quy mô 200 phòng, cùng hệ thống nhà hàng để phục vụ du khách.
Chỉ riêng trận lụt lịch sử năm 2020, gần như toàn bộ bờ kè 2 bên suối KDL đã bị cuốn trôi, hư hỏng nặng. Do đó, chúng tôi rất trăn trở các phương án thi công bảo vệ an toàn cho công trình và du khách, tránh các tác động tiêu cực từ những biến động khôn lường của thiên tai để trình tỉnh cho phép. Nhưng dù phương àn nào, chúng tôi cũng luôn phải đảm bảo yếu tố không xâm hại, làm ảnh hưởng và thay đổi nghiêm trọng tự nhiên vốn có.
Bà Nguyễn Thị Hương
Dù mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm trước khi hoàn thiện và khai trương chính thức vào tháng 6/2022 sắp tới, nhưng KDL đã và đang tạo ra sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, thu hút sự quan tâm, săn đón của người dân, du khách.
Chỉ tính riêng chia sẻ của trang Fanpage Đông Giang uy tín, đã có tới hơn 250 ngàn lượt tìm kiếm từ khóa “Cổng trời Đông Giang” trong những ngày qua, với hàng ngàn lượt like và bình luận, hàng trăm lượt chia sẻ thông tin.
Đó là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ khách du lịch nội địa thực sự quan tâm và ủng hộ những điểm du lịch mới.
Kết quả sau 5 ngày mở cửa đón khách đầu tiên (từ 29/4 – 3/5), mặc dù thời tiết không thực sự thuận lợi, chúng tôi vẫn đón được gần 10.000 lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ.
Sau đại dịch Covid-19, việc đưa vào vận hành một khu du lịch mới hẳn sẽ gặp thêm nhiều khó khăn, thử thách, thưa bà?
Hơn 4 năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Nam về phát triển du lịch phía Tây tỉnh, chúng tôi nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực do ảnh hưởng dịch Covid-19, sụt giảm thị trường du lịch để đầu tư khu du lịch và trở thành những nhà đầu tư tiên phong hình hài sản phẩm du lịch mới cho địa phương.
Trong 5 ngày vận hành thử nghiệm, khoảng 10.000 lượt khách đến với Cổng trời Đông Giang, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo
Khi vận hành, bản thân chủ đầu tư xác lập kế hoạch, kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, thực tế luôn có độ vênh nhất định. Đầu tiên phải kể đến “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông.
Như báo chí đã nêu, hầu hết các tuyến kết nối đến KDL đều có quy mô mặt đường nhỏ, đã xuống cấp, chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ chủ trương phát triển du lịch của tỉnh. Hạ tầng hạn chế khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm và các phương tiện lên Khu du lịch gặp nhiều khó khăn, đẩy giá thành và chi phí lên cao hơn so với dự kiến.
Vấn đề này chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất lên các cơ quan chủ quản mong muốn nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ để nâng cấp và cải tạo tuyến giao thông lên Đông Giang, chỉ có như vậy thì thực sự mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng du lịch vùng miền núi phía Tây Quảng Nam như kỳ vọng.
Ngoài ra vấn đề nhân sự cũng là một khó khăn, sau đại dịch đã có 1 lực lượng lớn nhân sự ngành du lịch bị luân chuyển tạo nên một lỗ hổng lớn trong nguồn cung nhân sự.
KDL chỉ triển khai xây dựng chiếm tỷ lệ 10% tổng diện tích toàn khu, trong khi quy định được phép xây dựng tỷ lệ 25%
Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc bê tông hóa Khu du lịch làm ảnh hưởng đến tự nhiên cảnh quan, bà có chia sẻ gì về những ý kiến này?
Như đã nói ở trên, KDL đang ở giai đoạn đầu tư, vận hành thử nghiệm nên chúng tôi luôn lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến phản hồi của du khách, các tầng lớp nhân dân dù là khen ngợi hay trái chiều, đây cũng là dấu hiệu cho thấy mọi người thực sự quan tâm đến KDL Cổng trời Đông Giang.
Ngay từ đầu khi triển khai dự án, chúng tôi xác định tuân thủ đúng pháp luật, chỉ đạo của tỉnh và phù hợp với tiêu chí của Khu du lịch chứ không thể muốn làm gì cũng được.
Việc triển khai khu du lịch thì chắc chắn phải có tỉ lệ bê tông hóa nhất định để phục vụ cho các nhu cầu đi lại, lưu trú, an toàn của du khách. Theo quy định chúng tôi được xây dựng lên đến 25% tổng diện tích toàn KDL nhưng thực tế tỷ lệ xây dựng ở đây chưa tới 10%.
Khoảng 90% diện tích còn lại chúng tôi cố gắng giữ nguyên trạng tỉ lệ phủ xanh cho dự án. Đồng thời, chúng tôi có lộ trình và cam kết rõ ràng, trong vòng 2 năm tới, trong số 10% tỷ lệ diện tích buộc phải xây dựng này cũng sẽ hoàn thành phủ xanh bằng hệ thống cây xanh, như sảnh chờ đón, sân đỗ…
Việc thiết lập dự án ở vùng miền núi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con địa phương có công ăn việc làm, bà có thể chia sẻ những kế hoạch tuyển dụng nhân sự địa phương của dự án?
Tạo sinh kế cho người dân địa phương, góp phần đóng góp vào ngân sách của huyện Đông Giang để phát triển kinh tế - xã hội là một trong những mục tiêu của Khu du lịch. Hiện tại chúng tôi trong giai đoạn thử nghiệm đang có gần 200 nhân sự tại Khu du lịch trong đó 50% là người Cơ Tu.
Theo kế hoạch năm 2023 số lượng nhân sự sẽ tăng gấp đôi và chúng tôi hy vọng là có thể có tới hơn 60% các vị trí lao động là người Cơ Tu.
Để đạt được điều đó chúng tôi phải đặt kế hoạch rất cụ thể cho việc tuyển dụng và đặc biệt là chính sách đào tạo.
Hiện tại chúng tôi đang thực hiện đào tạo tại chỗ bằng việc đưa nhân sự của Tập đoàn FVG từ Đà Nẵng lên tăng cường làm việc tại đây, đồng thời chia sẻ và hướng dẫn lại cho các nhân sự người địa phương.
Đây mới chỉ là kế hoạch cho giai đoạn 1, khi giai đoạn 2 với nhiều hạng mục vui chơi giải trí khác cùng tuyến cáp treo hơn 1.5km được đưa vào sử dụng thì số lượng nhân sự sẽ còn tăng lên rất nhiều.
Do đó chúng tôi cũng đang tìm kiếm các phương án để có thể chuẩn bị cho lực lượng nhân sự này một cách tốt nhất.
Xin cảm ơn bà!
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang thuộc địa phận xã Mà Cooih và xã Kà Dăng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án du lịch trọng điểm ở huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, có tổng diện tích hơn 120 ha, do Tập đoàn FVG điều hành và đầu tư, tổng vốn đầu tư lên đến 2600 tỷ đồng, đảm bảo cho 100.000 khách lưu trú/năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét