Ngày 21/10, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc hợp báo thông tin chi tiết về Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022.
Theo đó, Ngày hội với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ có đông đồng bào Khmer tổ chức.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trao đổi thông tin về Ngày hội với báo chí tại buổi họp báo.
Dự kiến Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/11/2022 và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo, khu vực ĐBSCL tại tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra từ ngày 7 - 8/11/2022.
Trong đó, chương trình khai mạc đối với Ngày hội Văn hóa sẽ diễn ra vào lúc 20h10 ngày 6/11/2022 tại sân khấu ngoài trời - quảng trường Bạch Đằng (phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).
Chương trình bế mạc sẽ diễn ra vào lúc 16h30 ngày 8/11/2022, tại khán đài A dòng sông Maspero (TP Sóc Trăng).
Ngày hội với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer 12 tỉnh, thành gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP Cần Thơ và TP.HCM;...
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời những câu hỏi của báo chí đặt ra liên quan đến Ngày hội, Lễ hội.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hoá thốngnhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.
"Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước", bà Thủy thông tin.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, trình diễn.
Đồng thời, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm, trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, còn có các hoạt động thể thao, hoạt động du lịch, như: kéo co, bóng đá, bi sắt, cờ ốc...
Đua ghe Ngo là một trong những môn thể thao nổi bật tại Lễ hội Oóc om bóc năm 2022.
Thông tin thêm về công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trước trong Ngày hội, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Công an tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể.
Trong đó, chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với Công an các huyện lân cận và Công an TP Sóc Trăng triển khai lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành, về tham dự Ngày hội.
"Đồng thời, huy động tối đa lực lượng, bố trí các chốt trực cố định, các Tổ tuần tra lưu động, xe ưu tiên nhằm kịp thời điều tiết, phân luồng giao thông trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội.
Đặc biệt, Phòng CSGT Công an cũng tỉnh phối hợp với Công an TP Sóc Trăng, triển khai 2 phương án cả đường bộ và đường thủy để tránh xảy ra ùn tắc giao thông khu vực diễn ra lễ khai mạc giải đua ghe Ngo. Bảo đảm cho người dân đi lại được thông suốt, không để xảy ra tình trạng móc túi, cướp giật", đại tá Sol thông tin thêm.
Theo Ban tổ chức Ngày hội, giải Đua ghe Ngo năm 2022 đã tiếp nhận 56 đội ghe đăng ký tham gia. Cụ thể, có 37 ghe nam và 3 ghe nữ.
Trong đó, chủ nhà tỉnh Sóc Trăng có 40 ghe, còn lại 16 ghe đến từ các tỉnh khu vực ĐBSCL, gồm: tỉnh Bạc Liêu có 9 ghe, gồm 5 ghe nữ và 4 ghe nam của các chùa: Ngan Dừa, Đầu Sấu, Kos Thum, Đìa Muồng, Đìa Chuối.
Tỉnh Kiên Giang 3 ghe, gồm 1 ghe nam 1 ghe nữ của chùa Thác Lác và Cà Nhung. 4 ghe còn lại là 3 ghe nam: Càng Long tỉnh Trà Vinh; Rạch Giồng tỉnh Cà Mau, Sangchrova - chùa Cũ Vĩnh Long và ghe Nữ Xà Phiên Long Mỹ tỉnh Hậu Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét