Với du khách đến từ các thành phố lớn, trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, chèo thuyền kayak, chinh phục hang động… có những thú vị riêng ít nơi có được…
UBND tỉnh Quảng Bình mới đây vừa cấp phép thử nghiệm tour "Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt" tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) cho Công ty Chua Me Đất (Oxalis). Theo đó, thời gian nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm để xây dựng sản phẩm từ ngày 1/11/2022 đến 31/12/2022. Việc khảo sát, thử nghiệm chỉ được thực hiện trong thời gian diễn ra lụt. Nếu trong thời gian trên, xã Tân Hóa không có tình trạng lụt thì công ty được phép khảo sát thử nghiệm trong thời gian diễn ra trận lụt đầu tiên trong năm 2023.
Phương tiện sử dụng nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm sản phẩm là thuyền máy, thuyền hơi, kayak, sup… Các phương tiện cần bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và điều kiện hoạt động theo quy định. Các hoạt động khảo sát và thử nghiệm chỉ diễn ra trong điều kiện thời tiết không có mưa to, gió lớn và các yếu tố thời tiết bất lợi.
Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis, Tân Hóa bao quanh bởi các dãy núi đá vôi nên vùng này như thung lũng. Mỗi năm có 2 - 3 trận lụt, khu vực ngập nước mênh mông, núi đá vôi cao hơn mặt nước trông như vịnh Hạ Long. Người dân ở đây tự trang bị nhà nổi. Họ thích ứng và sống chung với lũ. Mùa lũ ở Tân Hóa rất bình yên, cuộc sống diễn ra bình thường, người dân vẫn chèo thuyền cắt cỏ cho trâu bò ăn.
"Du khách mua tour trải nghiệm có thể chèo kayak thăm nhà nổi, tìm hiểu cuộc sống mùa lũ của người dân, ngắm cảnh", ông Á cho hay. Việc mở tour giúp đa dạng hoá sản phẩm du lịch, kể cả những ngày mưa lụt cũng thu hút khách du lịch về địa phương. Trước đó, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất cũng đã đưa vào khai thác sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa), trong đó, hoạt động trải nghiệm chèo kayak và sup tại khu vực ngập nước Hung Trâu luôn được du khách yêu thích.
Tour du lịch dự kiến bao gồm các hoạt động: đón khách bằng thuyền máy tại điểm tập kết theo quy định đến khu vực ngã ba Tân Lý, sau đó đưa khách vào khu điều hành Tú Làn để ngắm cảnh, trải nghiệm mùa lụt tại Tân Hóa và nghỉ ngơi ở khu điều hành Tân Hóa; chèo kayak, thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa của khu điều hành Tú Làn; trải nghiệm cuộc sống của người dân trong mùa lụt…
UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Chua Me Đất chịu trách nhiệm báo cáo, thống nhất với UBND huyện Minh Hóa về phương án khảo sát, thử nghiệm sản phẩm du lịch trước khi thực hiện; tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật khi sử dụng trang thiết bị, phương tiện; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cá nhân tham gia hoạt động khảo sát và thử nghiệm; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo đảm vệ sinh môi trường; tôn trọng văn hóa, nếp sống của người dân địa phương; tạo việc làm, sinh kế cho người dân và hỗ trợ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tân Hóa là địa phương được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tuyệt đẹp, hiện đang được khai thác các tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn như khám phá hệ thống hang động Tú Làn, hang Tiên… Việc xây dựng và phát triển các tour du lịch mùa mưa lũ sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần xóa tính mùa vụ vốn mặc định lâu nay của du lịch Quảng Bình.
Thực tế cho thấy, không chỉ tại Quảng Bình mà ở nhiều địa phương khác, khung cảnh ngập nước mùa lũ lụt hoàn toàn có thể trở thành yếu tố thu hút khách du lịch. Đầu tháng 10 năm nay, Hội An đã chứng kiến cảnh những chiếc thuyền nhỏ chở du khách rong ruổi khắp phố cổ giữa dòng nước lũ. Đây là “đặc sản” du lịch của phố cổ những ngày mưa, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập.
Năm nay cũng không phải là lần đầu tiên người dân Hội An đưa khách tham quan bằng ghe kiểu này. Trái với sự lo lắng về thiên tai, nhiều du khách nước ngoài sẵn sàng trả chi phí thuê thuyền, ghe len lỏi vào những con phố cổ kính để trải nghiệm "đặc sản" du lịch Hội An mùa mưa lũ.
“Cứ đến mùa mưa, phố cổ ngập nước lụt thì tôi chèo ghe đến để phục vụ du khách, mỗi khách chỉ phải trả 50.000 đồng. Du khách được mặc áo phao đầy đủ để đảm bảo an toàn cho mọi người và tôi sẽ đưa họ đi khắp phố cổ 1 vòng để ngắm nhìn phố cổ và chụp ảnh Hội An mùa lũ, họ rất thích thú. Nói chung thu nhập cũng khá và trang trải được đời sống hàng ngày", ông Nguyễn Thành Cường, người chèo thuyền ở Hội An chia sẻ.
Êm ả hơn và đã trở thành “thương hiệu” du lịch từ lâu, mùa nước nổi hàng năm ở đồng bằng sông Cửu Long bắt nguồn từ khoảng tháng 9 đến tháng 11. Nước lũ từ thượng nguồn MeKong ồ ạt đổ về mang theo bao nhiêu phù sa, tôm cá. An Giang và Đồng Tháp là những tỉnh đón nước đầu tiên, rồi sau đó tới các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang… Mùa nước nổi, khắp nơi chìm trong biển nước tạo nên một bức tranh khác lạ so với mùa khô, và đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch miền Tây.
Còn gì tuyệt vời hơn khi đến Rừng Tràm Trà Sư được ngồi trên chiếc tắc ráng nhẹ nhàng rẽ nước lướt trên những thảm bèo tấm xanh mướt, len lỏi vào sâu trong những khu rừng tràm tĩnh lặng. Hành trình qua Búng Bình Thiên trải nghiệm giăng câu, thả lưới, chèo xuồng hái bông súng, bông điên điển rồi cùng nhau chuẩn bị cho bữa trưa đậm chất đồng quê với các món lẩu mắm cá linh, bánh xèo bông điên điển, gỏi tép bông súng đồng… Chắc hẳn những nét thi vị của miền quê dân dã sẽ níu chân du khách ở mãi chẳng muốn về.
Có thể nói, những tour du lịch trải nghiệm mùa lũ hoàn toàn có thể trở thành một nét đặc sắc riêng của từng địa phương nếu được quản lý, xây dựng đúng cách. Quan trọng nhất là công tác đảm bảo an toàn cho người dân, hướng dẫn viên và du khách. Nếu làm được điều này, các tour du lịch mùa lũ có thẻ góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai…
-Tường Bách
Gốm sứ Bát Tràng Mekoong là dòng gốm sứ lâu đời nhất tại Việt Nam, là làng nghề Bát Tràng đã có tuổi đời tới trên 700 năm. Gốm Bát Tràng xuất hiện từ những thế kỷ 14 15, trải qua nhiều khó khăn thăng trầm Bát Tràng vẫn trụ vững trên thị trường. Không những vậy ngày càng được yêu thích và tin dùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét