Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Sức bật cho xuất khẩu chuối

Xuất khẩu chuối của Việt Nam đem về 260 triệu USD năm 2021. Trong 3 quý của năm 2022, xuất khẩu chuối sang Trung Quốc tăng mạnh, đã đưa Việt Nam vượt qua Philippines trở thành nước xuất khẩu chuối lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Với Nghị định thư vừa ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc về thương mại chuối, xuất khẩu chuối của nước ta sẽ tăng trưởng đột phá trong những năm tới…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 130.000 ha trồng chuối, với sản lượng 2,1 triệu tấn/năm; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 35.278,9 ha, với sản lượng 478.877,3 tấn. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm, và đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả nước ta.

XUẤT KHẨU CHUỐI TĂNG TRƯỞNG HƠN 60%

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay với kim ngạch xuất khẩu 260 triệu USD năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài. 

Trong 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 1,06 tỷ USD, chiếm 43,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.

 

"Đối với mặt hàng chuối, giá trị xuất khẩu chuối trong 3 quý đầu năm 2022 đạt gần 390 triệu USD, tăng gần 63% so với cùng ký 2021. Với kết quả này, xuất khẩu chuối đã vượt qua xoài để thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau trái thanh long".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với mặt hàng chuối, xuất khẩu chuối đang tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, khối lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thực hiện kiểm dịch thực vật là trên 430.000 tấn năm 2020, 574.000 tấn năm 2021 và 591.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong 3 quý đầu năm nay, Chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc, vượt qua Philippines (28%), Campuchia và Ecuador. Trung bình, giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5-0,6 USD/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến chuối xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết hiện nay diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng đang xuất khẩu chuối sang Singapore, Malaysia. Theo dữ liệu của The Observatory of Economic Complexity (OEC), trong năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu chuối của Malaysia là 10,3 triệu USD, tuy vậy, nước này đã nhập khẩu 14,4 triệu USD chuối.

Trong đó, Việt Nam cung cấp khoảng 45%, tương đương 6,7 triệu USD. Do dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, giá trị xuất khẩu chuối Việt Nam đến Malaysia trong cả năm 2021 giảm còn khoảng 3,2 triệu USD.

Đối với thị trường Nga, sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu đến thị trường này là loại sấy nguyên trái hoặc cắt lát, tương tự như mặt hàng mít và xoài cũng xuất khẩu đến thị trường này. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đến Nga đạt hơn 1,8 triệu USD, giảm 15% so với 2,1 triệu USD so với cùng kì 2021.

NGHỊ ĐỊNH THƯ TẠO SỨC BẬT CHO CHUỐI

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến 13 văn kiện được các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương ký kết, trong đó có nghị định thư liên quan đến xuất khẩu chuối sang Trung Quốc.

Đó chính là Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước CHND Trung Hoa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc được ký kết sẽ đảm bảo việc xuất khẩu chuối chính thức sang Trung Quốc ổn định, bền vững; đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định từ đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người trồng chuối. 

Đặc biệt, thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu. 

Ngoài ra, việc xuất khẩu chuối chính ngạch, sản phẩm chuối sẽ được tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy quy mô lớn hơn, đảm bảo uy tín cho chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

"Để đảm bảo xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, nông dân trồng chuối cần thực hiện cải thiện quy mô tạo liên kết giữa các hộ trồng chuối; áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo quản lý sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm không nhiễm trên chuối xuất khẩu, người trồng chuối cần đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về lâu dài, việc này sẽ giúp sản xuất với quy mô lớn hơn, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người trồng chuối với nhau, giữa người trồng chuối và nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

Để xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, chuối phải đáp ứng quy định trong Nghị định thư đã được ký kết. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây khi chưa có Nghị định thư thì chuối xuất khẩu sang Trung Quốc từ vườn trồng và cơ sở đóng gói đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật; đảm bảo không nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc và mỗi lô hàng xuất khẩu được được kiểm tra kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Nay có Nghị định thư, thì tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt.

Các lô chuối xuất khẩu không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm. Tại cửa khẩu nhập của Trung Quốc kiểm tra theo quy định tại Nghị định thư. Chuối xuất khẩu phải là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa.

-Chương Phượng

Gốm sứ Bát Tràng Mekoong là dòng gốm sứ lâu đời nhất tại Việt Nam, là làng nghề Bát Tràng đã có tuổi đời tới trên 700 năm. Gốm Bát Tràng xuất hiện từ những thế kỷ 14 15, trải qua nhiều khó khăn thăng trầm Bát Tràng vẫn trụ vững trên thị trường. Không những vậy ngày càng được yêu thích và tin dùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Samsung mở rộng nhà máy đóng gói chip HBM HOT nhất 2023

Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, Samsung Electronics vừa thông báo mở rộng các cơ sở đóng gói chất bán dẫn tại tỉnh Chungcheong Nam để...