Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu, theo Bộ Nội vụ...
Thông tin được Bộ Nội vụ đề cập trong Báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
GIẢM SỐ LƯỢNG NHƯNG CÒN MANG TÍNH CƠ HỌC
Bộ Nội vụ cho biết, tính đến 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.
Số liệu thống kê cho thấy, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế (Bộ, ngành Trung ương là 106.890; địa phương là 140.832), giảm 27.530 biên chế.
Trong đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đánh giá, việc quản lý, sử dụng biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn có mặt hạn chế như: Sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính; định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp).
Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu.
Ngoài ra, việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Về nguyên nhân, Bộ Nội vụ cho rằng, việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chưa đồng bộ, do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu công chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm.
Người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ được giao; còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành, địa phương mình, và chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
CÓ CƠ CHẾ SỬ DỤNG ĐÚNG NGƯỜI TÀI
Liên quan đến vấn đề này, trước đó tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp từng đặt vấn đề việc tinh giản biên chế liệu có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học, và vấn đề xu thế cán bộ, công nhân viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua liệu có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ ngành, địa phương.
“Có thể khẳng định chủ trương tinh giản là đúng, nhưng dường như kết quả thu lại là chúng ta đang giảm mà chưa bảo đảm được độ tinh, vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác và chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, đó là bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, biên chế giảm nhưng thực chất hệ thống cơ quan nhà nước công việc không giảm, và chưa có những giải pháp hỗ trợ để lực lượng cán bộ, công chức, viên chức khi giảm biên chế có đủ thời gian để cống hiến.
“Thực tế càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc đối với những người làm được việc càng lớn, và công việc chủ yếu đang tập trung vào những người làm được việc. Trong khi bộ phận này có thể ít cơ hội để thăng tiến và ngạch, bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến”, bà Hoa nói và cho rằng, đó chính là những nguyên nhân khiến cho lực lượng cán bộ, công chức rời khu vực công sang khu vực tư để tìm một môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhanh hơn và chế độ lương bổng cao hơn.
Đại biểu cũng nhấn mạnh thêm rằng, chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới cần phải được làm khẩn trương, nhưng làm thế nào cho khoa học là điều phải tính.
Giải pháp là phải tạo môi trường và những cơ chế để tôn vinh và sử dụng đúng người tài. Trong quá trình cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để có thể tiếp tục bồi dưỡng và tạo điều kiện, độ hấp dẫn và động lực cho những người tài được cống hiến.
Về phía Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quy định về định mức biên chế công chức, viên chức..., làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2025; đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp...
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Nội vụ. Trong đó có vấn đề về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây...
-Phúc Minh
Gốm sứ Bát Tràng Mekoong là dòng gốm sứ lâu đời nhất tại Việt Nam, là làng nghề Bát Tràng đã có tuổi đời tới trên 700 năm. Gốm Bát Tràng xuất hiện từ những thế kỷ 14 15, trải qua nhiều khó khăn thăng trầm Bát Tràng vẫn trụ vững trên thị trường. Không những vậy ngày càng được yêu thích và tin dùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét