Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Lễ hội Hoàng mai lần đầu tổ chức trên đất Cố đô Huế có gì độc đáo?

Lễ hội Hoàng mai lần đầu tổ chức trên đất Cố đô Huế có gì độc đáo?

Lễ hội Hoàng mai Huế diễn ra tại công viên Thương Bạc, thành phố Huế từ ngày 9- 19/1/2023. Đây là lễ hội Hoàng mai lần đầu tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội mùa Xuân của Festival Huế 2023 diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa.

Lễ hội Hoàng mai lần đầu tiên tổ chức trên đất Cố đô Huế trước thềm Xuân Quý Mão gồm các hoạt động như: cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp; không gian triển lãm, trưng bày; không gian giao lưu và trao đổi; không gian đấu giá - Ảnh: Hoàng Lê

Đáng chú ý, theo Ban Tổ chức, lễ hội Hoàng mai năm nay được tổ chức quy mô toàn quốc, nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

Ngoài không gian triển lãm và trưng bày, trong khuôn khổ chương trình lễ hội Hoàng mai Huế lần I – 2023, còn có cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp, đấu giá những tác phẩm Hoàng mai đẹp nhất...

“Mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam. Đối với Thừa Thiên Huế, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là Hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế.

Cận cảnh chùm Hoàng mai Huế khoe sắc, chớm nụ - Ảnh: Hoàng Lê

Với quyết tâm khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế của chính quyền, sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng được quy hoạch, trồng đúng giống mai vàng Huế và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Lễ hội Hoàng mai lần I - 2023 nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế và thương hiệu Hoàng mai Huế trong dịp Tết đến Xuân về”, Ban Tổ chức cho hay.

Lễ hội Hoàng mai lần I – 2023 do Trung tâm Festival Huế phối hợp Hội Hoàng mai Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Công viên Cây xanh Huế tổ chức.

Trong đó, cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp với 2 nhóm: Hoàng mai loại lớn (dự kiến từ 70 tác phẩm) và Hoàng mai bonsai (từ 250 tác phẩm).

Một tác phẩm Hoàng mai trưng bày trong Đại nội Huế - Ảnh: Hoàng Lê

Chương trình với sự góp mặt của các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố có phong trào trồng mai phát triển mạnh.

“Những tác phẩm Hoàng mai mang đến trưng bày, triển lãm là những tác phẩm tinh túy, đặc sắc nhất của mỗi nghệ nhân; phải đang thời kỳ đẹp nhất, hoa tươi, nở đúng dịp tranh tài...”, Ban Tổ chức cho hay.

Tại không gian triển lãm - trưng bày, người dân và du khách sẽ được thưởng ngoạn vườn Hoàng mai nở rực cả một góc trời tại công viên Thương Bạc, phía trước Kinh thành Huế cổ kính, tạo nên một điểm check-in thú vị, ngập tràn sắc xuân phục vụ người dân và du khách.

Trong khi đó, không gian giao lưu và trao đổi tại lễ hội Hoàng mai là nơi các chuyên gia, nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật Hoàng mai có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp trồng, chăm sóc, cảm nhận về Hoàng mai qua cuộc thi và trưng bày.

Tại lễ hội Hoàng mai lần đầu tiên tổ chức tại Huế có cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp với 2 nhóm: Hoàng mai loại lớn với khoảng hơn 70 tác phẩm và Hoàng mai bonsai khoảng hơn 250 tác phẩm... Ảnh: Hoàng Lê

Tại đây, mỗi đơn vị tham gia triển lãm cử ra một số nghệ nhân có tay nghề cao tham gia trình diễn trên cây phôi có sẵn của Ban tổ chức. Thông qua việc trình diễn tay nghề, các nghệ nhân sẽ có dịp giao lưu, trao đổi kỹ thuật trong tạo tác cây Hoàng mai.

Còn không gian đấu giá quy tụ những người chơi mai, các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn, người dân và du khách yêu Hoàng mai.

“Những tác phẩm Hoàng mai đẹp nhất được chọn đem bán đấu giá công khai, minh bạch và sẽ thuộc về những người yêu mai chịu chi nhất.

Quá trình buổi đấu giá diễn ra hứa hẹn là một trải nghiệm mới lạ và thú vị, người bán nhận được giá trị xứng đáng và người mua có được thứ mà mình yêu thích. Hoạt động giúp thúc đẩy giao thương, buôn bán, tăng hiệu quả kinh tế”, đại diện Ban Tổ chức chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ có hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa: “Xuân Cố đô”; mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng”; “Huế vào thu”; “Mùa Đông xứ Huế”, do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Festival Huế 2023 sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện Cố đô Huế - Việt Nam, thành phố Festival đặc trưng, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Duy Lợi https://ift.tt/Kyq5kme #travelblogger

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thu thập dữ liệu trái phép, công ty mẹ Facebook Meta bị Hàn Quốc phạt 15 triệu đô HOT nhất 2023

Meta, công ty sở hữu nền tảng truyền thông xã hội phổ biến Facebook, vừa bị Hàn Quốc phạt 15 triệu đô la (Mỹ) vì thu thập trái phép thông t...