Vườn hướng dương 2.000m2 khoe sắc dưới nắng xuân
Những ngày này, hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đã đến chùa Chén Kiểu (tên khác là chùa Sà Lôn) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên để “check-in” vườn hoa mặt trời (hoa hướng dương) đang rực rỡ khoe sắc dưới nắng xuân ấm áp...
Vườn hướng dương khoe sắc dưới nắng xuân.
Đại đức Kim Hoàng Hưng, Trụ trì chùa Chén Kiểu cho biết: “Vườn hoa mặt trời có diện tích khoảng 2.000m2 được nhà chùa gieo hạt trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng 1 tháng và bắt đầu nở hoa cách đây khoảng 2 tuần.
Bên cạnh hoa mặt trời, nhà chùa cũng dành đất để gieo thêm một số loại hoa khác như hoa cúc, vạn thọ… để tạo sức hấp dẫn với du khách khi đến vãn cảnh chùa”.
Ngôi chùa Chén Kiểu độc đáo.
Hiện nay, nhiều luống hoa đã tàn, nhà chùa đang cho làm đất để gieo hạt cho lứa hoa mới. Nay chỉ còn lại vườn cúc khoảng trên 100m2 và diện tích hoa mặt trời khoảng 2.000m2.
"Nhìn vườn hoa rộng hàng ngàn mét vuông đang nở rộ mà thấy vui mắt, thư thái trong tâm hồn”, anh Nguyễn Ngọc Danh ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) nói vậy.
Cùng nhóm bạn đến từ huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đang mê mẩn ngắm nhìn, chụp ảnh kỷ niệm giữa vườn hoa hướng dương rực rỡ sắc vàng, chị Nguyễn Kim Ngân vui vẻ nói: “Chúng tôi ở huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu.
Nghe nhiều người giới thiệu về vườn hoa hướng dương của chùa Chén Kiểu rất đẹp nên hôm nay chị em rủ nhau lên chiêm ngưỡng và chụp hình làm kỷ niệm.
Bởi ở khu vực miền Tây mình cũng ít có vườn hoa hướng dương nào đẹp như vậy. Đến đây mới cảm nhận được vẻ đẹp khó cưỡng của hàng ngàn bông hoa hướng dương đang khoe sắc vàng dưới cái nắng rực rỡ đầu xuân này. Đây là kỷ niệm không thể quên được”.
Vườn hoa hướng dương trong chùa.
Anh Nguyễn Ngọc Danh ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Ở Châu Thành có đường hoa kèn hồng nhưng năm nay chưa nở rộ nên ít khách. Nghe nói ở chùa Chén Kiểu có vườn hoa hướng dương rất đẹp nên tôi xuống đề chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sắc hoa này".
Một số loại hoa khác.
Một người đàn ông ngoài 60 tuổi cho biết ông đi vãn cảnh chùa ở Sóc Trăng và tìm đến chùa Chén Kiểu để tham quan vẻ đẹp kiến trúc của chùa và tham quan vườn hoa hướng dương đang nở rộ.
Vị du khách này đã say sưa chup ảnh, quay lại những đoạn video vẻ đẹp của khu vườn làm kỷ niệm, giới thiệu cho mọi người cùng biết để đến tham quan.
Vị du khách này nói: “Hoa mặt trời chính là hoa hướng dương, thuộc họ hoa Cúc (Asteraceae), có tên khoa học là Helianthus annuus. Loài hoa này được coi là đại diện của mặt trời, tượng trưng cho niềm đam mê mãnh liệt, sự tươi sáng và vui vẻ.
Du khách đến tham quan chùa.
Đây là loài hoa xinh đẹp mang trong mình những ý nghĩa tích cực. Giống hệt như tên gọi của nó, hoa hướng dương - cho dù xảy ra bất kỳ chuyện gì, ở bất cứ nơi đâu thì chúng vẫn hướng về phía mặt trời.
Mặc cho những tia nắng chói chang, nóng rát kia chiếu vào thì chúng vẫn luôn vàng tươi và tràn đầy sức sống”.
Ngôi chùa kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Đại đức Kim Hoàng Hưng giới thiệu: “Chùa Chén Kiểu được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi đó là một trong số những ngôi chùa có phong cách kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam”.
Bộ bàn tiếp khách của công tử Bạc Liêu.
Nét nổi bật đặc trưng của ngôi chùa này là ở những bức tường được ốp bởi những mảnh chén, dĩa, sành sứ nhìn rất độc đáo nhưng vô cùng thẩm mỹ đẹp lạ.
Trước đây chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong - tên của con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.
Giường ngủ mùa đông của công tử Bạc Liêu.
Năm 1815, chùa được dựng nên bằng cây lá như những ngôi chùa khác. Trong thời gian chiến tranh, dưới sức tàn phá của bom đạn, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng.
Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh...
Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường.
Giường ngủ của Sư Cả được hỉ cúng năm 1934.
Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: “Chùa Chén Kiểu”.
Chùa tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu.
Chung quanh chùa là tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Hai bên cổng vào có hai tượng sư tử đá, mặt hướng ra quốc lộ.
Phía trên là ba ngôi tháp được chạm khắc, trang trí theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Dọc lối vào chùa là hai hàng tượng thần Kâyno (kerno).
Đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara - tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda - tượng trưng cho sức mạnh.
Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, mái chánh điện chùa Chén Kiểu được xây dựng theo dạng tam cấp, tức là có ba nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần lên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút lên.
Giường ngủ mùa hè của công tử Bạc Liêu.
Mái được trang trí hoa văn với màu sắc rất đẹp mắt. Phía trong gian chánh điện, cùng với không khí trang nghiêm, hòa quyện khói hương, du khách sẽ thấy khoảng 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế tọa thiền khác nhau.
Xung quang tường là những tranh vẽ kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, từ khi người sinh ra cho đến khi đắc đạo. Giữa sân chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền.
Bộ trường kỷ là bàn đếm tiền của công tử Bạc Liêu.
Rắn thần Nagar là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Người Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ. Vì thế Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo chính, chi phối đời sống tinh thần của họ.
Chính vì vậy, họ chỉ thờ Phật Thích Ca, mà không thờ các vị Quan âm hay Bồ Tát khác. Hơn nữa, người Khmer tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên có tín ngưỡng thờ rắn và hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa.
Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca.
Ít ai rời chùa mà không chụp ảnh hoa hướng dương.
Nơi đây hiện còn lưu giữ một phần gia sản của công tử Bạc Liêu - người nổi tiếng một thời của vùng lục tỉnh. Đó là bộ trường kỷ là bàn đếm tiền của công tử Bạc Liêu, bộ bàn tiếp khách của công tử Bạc Liêu được nhà chùa mua lại từ phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1948.
Ngoài ra còn có chiếc giường ngủ mùa hè được nhà chùa mua lại năm 1954; chiếc giường ngủ mùa đông được nhà chùa mua lại năm 1958; chiếc tủ cẩn xà cừ cũng được mua trong khoảng thời gian với các gia sản nêu trên.
Dù còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc thực sự của các vật dụng này, khi cho rằng không phải đồ dùng chính gốc của công tử Bạc Liêu, nhưng nhiều người đến chùa vẫn rất ấn tượng về hai chiếc giường ngủ.
Trong đó giường ngủ mùa hè mặt bằng đá cẩm thạch, chiếc giường ngủ mùa đông mặt làm bằng gỗ giáng hương. Chất liệu hai giường đều bằng gỗ sưa, xung quanh khảm xà cừ với hoa văn tinh xảo.
Bên cạnh đó, chùa cũng lưu giữ được giường ngủ dành cho Sư Cả do phật tử hỷ cúng năm 1934…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét