1. Đến Sa Thầy tham gia hàng loạt sự kiện thể thao ý nghĩa
Đồi Charlie không những là điểm cao lịch sử 1015, mà còn rất lý tưởng tổ chức đường chạy “THACO Marathon Vì an toàn giao thông Sa Thầy 2023” và nhảy dù
Giải “THACO Marathon Vì an toàn giao thông Sa Thầy 2023” tổ chức vào ngày 11-12/2 với các cự ly chạy 42km, 21km, 10km và 5km.
Điểm xuất phát từ Sân vận động huyện Sa Thầy - đường Lê Duẩn rẽ trái ra Nguyễn Văn Cừ theo hướng đường dân sinh về núi Ngok Ring Rua, chạy tiếp theo hướng về khu di tích lịch sử - điểm cao 1049, vận động viên sẽ được trải nghiệm cung đường mang tính dấu ấn lịch sử của tuyến phòng thủ bảo vệ Kon Tum và các căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, Plei Kần và Plei Kleng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
VĐV sẽ chạy tiếp theo hướng lên đồi Charlie trải nghiệm cung đường với những cánh rừng bạt ngàn nằm giữa núi non hùng vĩ cùng lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận hệ sinh thái tự nhiên, phong phú đa dạng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Cuối cùng chạy theo những cánh đồng lúa mênh mông khi về hướng đường dân sinh, theo hướng đường 765 vận động viên về đích tại Sân vận động huyện Sa Thầy.
Ngoài ra, Sa Thầy còn tổ chức hàng loạt sự kiện như: Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất; Hội chợ triển lãm thương mại chất lượng cao và giới thiệu sản phẩm OCOP; Hội thi đua thuyền độc mộc mùa Xuân; Tổ chức giải Dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng); Viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện, dâng hương, tưởng niệm các Điểm cao 995 - Chư Tan Kra, 1015 (Rơ Kơi) và 1049 (Hơ Moong)…
2. Măng Đen - nơi mệnh danh Đà Lạt thứ 2
Với những con đường men theo hàng thông trong không khí se lạnh, Măng Đen là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Kon Tum
Từ TP Kon Tum xuôi theo đường 24 về phía Đông khoảng 50km, du khách sẽ đặt chân đến khu du lịch sinh thái Măng Đen nằm trên địa phận huyện Kon Plong.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với nhiều suối đá, hồ thác cùng các cảnh quan hấp dẫn, nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam.
Khi đến Măng Đen, du khách còn được tham quan tượng Đức Mẹ Sầu Bi - một công trình kiến trúc được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Khi kháng chiến nổ ra, bức tượng đã bị hủy hoại một phần và bị chôn vùi dưới đất. Đến năm 2004, bức tượng mới được các giáo dân tìm thấy và phục chế lại.
Từ ngày 12 đến 15/9 hàng năm đã trở thành ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen của giáo phận Kon Tum, thu hút đông đảo giáo dân tham dự.
3. Ngã ba Đông dương - Cửa khẩu Bờ Y
Cửa khẩu Pờ Y tuyệt đẹp giữa trời cao xanh thẳm
Ngã ba Đông Dương huyền thoại là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là nơi mà dân phượt vẫn truyền tai nhau về câu chuyện một con gà gáy, cả 3 nước cùng nghe.
Để có thể tới được ngã ba Đông Dương, du khách sẽ phải vượt qua một hành trình khá khó khăn với những con đường ngoằn ngoèo, quanh co dưới cái nắng gay gắt, chói chang của Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vượt qua được những khó khăn này, du khách sẽ được mãn nhãn với không gian núi đồi trùng điệp vô cùng đẹp mắt tại ngã ba Đông Dương.
Cách ngã ba Đông Dương khoảng 5km là cửa khẩu Bờ Y, du khách sẽ có dịp mua sắm hàng hóa Thái- Căm- Lào miễn thuế.
4. Nhà thờ gỗ và Tòa giám mục
Nhà thờ gỗ có kiến trúc độc đáo nhất thế giới
Nhà thờ gỗ thật sự là một kiệt tác kiển trúc vô cùng độc đáo của du lịch Kon Tum mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Công trình này được thiết kế theo kiến trúc Roman, kết hợp hài hòa với kiểu nhà sàn của người Ba Na nên vẫn mang đậm sắc thái tín ngưỡng, văn hóa của những người dân Tây Nguyên qua từng điểm nhấn trên chất liệu cũng như những đường nét họa tiết trang trí.
Nhà thờ gỗ là một công trình khép kín bao gồm: Giáo đường, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông cùng với nhà tiếp khách. Ngoài ra, còn có cơ sở mộc, dệt thổ cẩm, cơ sở may và cả cô nhi viện.
Toàn giám mục được xây dựng vào năm 1935 là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của dân tộc bản địa cùng với lối kiến trúc phương Tây.
Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép thì toàn bộ phần còn lại của tòa nhà này được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền rất cao.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất tại tòa giám mục mà chúng ta phải kể đến là căn phòng truyền thống - nơi được coi như một bảo tàng thu nhỏ về nông cụ, vật dụng sinh hoạt, vật thể văn hóa của các dân tộc đang sinh sống tại Kon Tum.
Vì vậy, nếu muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa của các dân tộc thì tòa giám mục là điểm đến mà du khách nhất định phải ghé thăm khi du lịch Kon Tum.
5. Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum
Đến Kon Tum không thể không đến di tích lịch sử nơi tri ân những anh hùng cách mạng
Nhà ngục được Pháp xây dựng năm 1930, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla, thuộc địa phận tổng Tân Hương, tỉnh Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum).
Tại Ngục Kon Tum, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14.
Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ.
Cuộc biểu tình đã bị đàn áp làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đến 16/12/1931, cuộc biểu tình chuyển sang biểu tình tuyệt thực.
Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12/1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa.
Ngục Kon Tum là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản. Ghi nhận sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại ngục Kon Tum. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa thông tin ra Quyết định số 1288 công nhận Ngục Kon Tum là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Văn Tư https://ift.tt/LtoGb9l #travelblogger
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét